PDA

View Full Version : [CẢM NHẬN] Lee Daniels' The Butler: Một góc nhìn lịch sử



Dr. House
01-21-2014, 05:28 PM
Nguồn: http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2014/01/21/the-butler/

http://i.imgur.com/MvtxW6A.jpg


Trong hai ba năm gần đây có rất nhiều phim nói về người da màu và chủ nghĩa nô lệ như The First Grader (2010), The Help (2011), Django Unchained (2012), 12 Years a Slave (2013), 42 (2013), Mandela: Long Walk to Freedom (2013), Fruitvale Salvation (2913)... Chất lượng nhiều mà nhàm chán cũng có, những bộ phim về người da màu gây ra nhiều ý kiến trái chiều và cảm xúc lẫn lộn. Nhiều khán giả hẳn không tránh khỏi cảm giác mệt mỏi với các bộ phim nói về vấn đề chủng tộc, họ nói rằng quá khứ đó thật đáng buồn, họ rất tiếc nhưng không nhất thiết bộ phim nào về người da màu cũng phải nói về phân biệt chủng tộc hay nô lệ. Rằng các đạo diễn da màu hãy thử làm những bộ phim về người da màu vật lộn với các khó khăn (không liên quan đến màu da) khác của cuộc sống thường ngày.

Nhưng hiện thực ngày nay cho thấy chúng ta vẫn cần những bộ phim như "The Butler". Nô lệ tưởng được coi như một hiện tượng lạc hậu vô nhân tính còn sót lại từ những thế kỷ trước nhưng mấy ai biết hiện nay vẫn còn khoảng 30 triệu người trên thế giới đang sống trong tình trạng nô lệ. Khái niệm nô lệ hiện đại ở đây chính là nạn buôn bán người, lao động cưỡng bức, bắt làm nô lệ để trả nợ, hôn nhân ép buộc hay buôn bán trẻ em để lạm dụng tình dục và bóc lột sức lao động. Bên cạnh đó, tình trạng phân biệt chủng tộc cũng vẫn còn hết sức nhức nhối, không chỉ với người da màu mà còn là các dân tộc thiểu số, người châu Á, người đồng tính... Thời gian đổi thay, xã hội đổi thay nhưng khởi nguồn của tội ác thì vẫn vậy: bản chất tham lam muốn kiểm soát, sở hữu cuộc sống và ý chí tự do một con người khác của loài người sẽ không bao giờ mất đi.

Vấn đề không phải chúng ta quên đi tội ác mà chúng ta đã quên đi những cái khác ngoài tội ác. Ký ức của người da màu là một thời sống trong kiếp nô lệ nhục nhã, khổ sở hằn sâu trong đầu nên bất kỳ một bộ phim nào của họ cũng xoay quanh và quy chiếu về thời đại bi thảm choáng váng ấy. Ngay cả khi chúng ta muốn họ nhớ đến một ký ức khác buồn tẻ, im lặng, thanh bình thì đó cũng là điều không thể. Chủ nghĩa nô lệ là một thời đại đặc biệt mà không một tác phẩm văn học, một bộ phim, một lời xin lỗi nào có thể giải quyết được xác đáng. Chúng ta không được phép quên, như triết gia, nhà thơ Mỹ George Santayana đã viết: "Một nền văn minh quên đi quá khứ của mình sẽ bị kết án phải sống lại nó."



http://i.imgur.com/IGyXhmv.jpg
Xuyên suốt bộ phim là căng thẳng giữa hai cha con Cecil và Louis.


"The Butler" bắt đầu với cảnh cậu bé Cecil Gaines cùng bố mẹ làm nô lệ ở một đồn điền trồng bông và kết thúc bằng việc Barack Obama, người da màu đầu tiên đắc cử chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ - một nước giàu mạnh nhất thế giới. Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn, đặc biệt dưới góc nhìn của một người da màu, một bước phát triển chói lọi đúc kết từ bao chiến thắng, nỗ lực của cuộc đấu tranh can đảm và ngoan cường của người da màu suốt hơn 150 năm qua. Một cuộc đấu tranh mà thành quả của nó mọi cộng đồng thiểu số khác đang chung hưởng trên đất nước Mỹ: những đạo luật và cơ chế phục vụ bình đẳng dân quyền, chống lại nhiều hình thức phân biệt đối xử kì thị chủng tộc, sắc tộc trong xã hội....

Mỹ là quốc gia có nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều chính sách thu hút người tài từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến với miền đất hứa hy vọng sẽ tìm được giấc mơ Mỹ của mình. Tuy nhiên ẩn khuất sau bức màn nhung hào nhoáng ấy vẫn còn đâu đấy tồn tại sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc mà nặng nề nhất là với người da màu. Cuộc sống của người da màu trên đất Mỹ đã từng là địa ngục trần gian. Dưới thời của đạo luật Jim Crow trong giai đoạn từ năm 1877 đến giữa thập niên 60 của thế kỉ trước ở các bang miền Nam và các bang cùng biên giới với miền Nam, lối sống của họ bị đặt dưới những luật lệ, chế độ hà khắc. Người Mỹ gốc châu Phi bị đưa xuống hàng công dân thứ cấp, dân Mỹ được nhồi vào đầu tư tưởng người da đen bẩm sinh đã thấp kém hơn người da trắng về mặt tri thức, văn hóa, trí tuệ và giống nòi. Họ tham gia mọi thăng trầm nước Mỹ, là nhân chứng của nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Mỹ, lực lượng lao động chính của xã hội, tham gia đấu tranh giành độc lập và chiến tranh chống phát-xít. Vậy mà tình cảnh sống vô cùng cực khổ: làm giàu cho nước Mỹ nhưng thậm chí không được coi là một con người, bị áp bức và khủng bố, bị hành hình công khai nơi công cộng... Nhiều người sinh ra đã là nô lệ và chết đi cũng là nô lệ, gia đình họ thuộc sở hữu của một gia đình khác và cứ thế đời nọ qua đời kia. Tất cả những gì họ biết chỉ là nô lệ, họ không biết đến cuộc sống khác, bị đánh đập, bị cưỡng hiếp, bị giết lúc nào không hay nếu chẳng may làm trái ý chủ...

"The Butler" xoay quanh cuộc đời Cecil Gaines (dựa theo câu chuyện có thật của Eugene Allen) - người quản gia da màu đã phục vụ tám đời tổng thống tại Nhà trắng, người chứng kiến không biết bao Tổng thống lên rồi xuống, bao phong trào bình quyền, phản chiến hay những vấn đề, scandal to lớn khác ảnh hưởng tới cuộc sống, gia đình và xã hội Mỹ xuyên suốt thế kỷ 20... Nói là một phim tiểu sử nhưng phim đã thay đổi rất nhiều tình tiết quan trọng trong đời Eugene để tăng cường ngôn ngữ điện ảnh như: mẹ ông không bị chủ hiếp, bố không bị giết, Cecil chỉ có một người con đi lính ở Việt Nam, một số tổng thống Mỹ cũng được miêu tả không chân thực lắm... Nhiều người có thể phàn nàn nhưng sự thực về phim tiểu sử là thế, những người làm phim họ phải cắt bỏ những chi tiết tầm thường và thêm thắt kịch tính hay nút thắt cho tác phẩm, ngay cả những tác phẩm lớn như Amadeus (1984) cũng chẳng khác.



http://i.imgur.com/m39YO6r.jpg
Cecil và Tổng thống Eisenhower.


Tuy là phim tiểu sử, chuyển thể nhưng "The Butler" lại nặng nề về lịch sử hơn. Dĩ nhiên nhờ thủ pháp điện ảnh khiến các chi tiết lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị, không nhàm chán nhưngkhách quan mà nói, nếu ai không yêu thích lịch sử hoặc có một chút kiến thức nhất định về lịch sử nước Mỹ trong giai đoạn này thì sẽ cảm thấy khá khó xem khó thích hơn phim tiểu sử thông thường. Phim nhắc đến khá nhiều vấn đề nổi cộm như Ku Klux Klan, các đời Tổng thống Mỹ (Eisenhower, Kennedy, Johnson, Reagan, Nixon...), Đạo luật Dân Quyền 1964, phong trào Dân Quyền (1957-1986), chiến tranh Việt Nam, vụ Watergate, đảng Black Panther, Matin Luther King... nhưng chỉ nói vừa đủ để người xem muốn tìm hiểu thêm.

Cecil là nhân vật chính nhưng ông không thật sự nổi bật và năng nổ trong phim. Ông như một phương tiện dẫn truyện, như một cái trục để phim đưa góc nhìn ra các vấn đề xã hội mà tiêu biểu và tập trung nhất là thái độ phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa nô lệ. Có lẽ vì được dạy dỗ và sinh ra trong một gia đình nô lệ từ bé nên Cecil biết và quen với lối sống âm thầm, bình thản, nhẫn nhịn, tránh mâu thuẫn, tập trung làm công việc của mình tốt nhất có thể. Đó là cách Cecil sống sót. Trái ngược hoàn toàn với đứa con trai cả Louis - một thanh niên trẻ máu nóng, nồng nhiệt và mạnh mẽ, không ngừng tham gia các hoạt động đấu tranh đòi tự do, bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi. Nhưng nói vậy không có nghĩa là Cecil hèn nhát hay không đóng góp gì cho cộng đồng người da màu. Chính những con người hiền lành, trung thực, mẫu mực và trách nhiệm với công việc như ông giúp mang lại thiện cảm cho người da màu, nâng cao sự tôn trọng của người dân Mỹ với cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Ngay cả Louis cuối cùng cũng nhận ra không thể dùng bạo lực mà phải đối đầu bất bạo động mới có thể thúc đẩy sự tiến bộ về nhân quyền, chống lại tình trạng nghèo khó, nô lệ và đối xử bất công đối với người da đen tại Mỹ. Tinh thần ấy được thể hiện rõ nét trong "The Butler" khiến người xem cảm thấy nó khác biệt với "12 Years A Slave". Nếu như "12 Years A Slave" đánh vào cảm giác và cảm xúc, đánh vào phần tình thì "The Butler" lại lý tính, bình thản, lạnh lùng và sử dụng những lập luận, lập trường hết sức cụ thể, rõ ràng.

"The Butler" là một bộ phim mẫu mực, nhuần nhị, mang nhiều tính tiểu luận, học giả khi so sánh với các phim cùng chủ đề. Nhưng cũng chính vì sự nhuần nhị ấy mà phim có phần hơi khuôn mẫu, kiểu cách, thiếu sự sáng tạo phá cách mới lạ. Xét về yếu tố nghệ thuật thì không có nhiều điểm đặc biệt nhưng về mặt phim lịch sử, tuyên truyền thì đây là một phim làm chắc tay, dàn diễn viên đều hay đặc biệt là Forest Whitaker và Oprah Winfrey, nhịp phim lôi cuốn, ổn định và nhanh, dễ xem. Nguồn tư liệu được sử dụng thật sự nhiều và hơi ôm đồm quá mức cho một bộ phim truyện, nếu kéo dài và đào sâu thêm để chuyển thành một bộ phim truyền hình có lẽ sẽ hay hơn.
Nói đến đây thì lại thấy hơi buồn cho những dạng phim "cúng cụ" của Việt Nam, ước một ngày những người yêu phim có thể say mê những bộ phim làm về lịch sử nước ta. Thật đáng tiếc khi lịch sử nước Việt ta rất rộng, giàu tư liệu và thú vị nhưng số đầu phim có yếu tố lịch sử đã ít chứ chưa nói đến những phim gọi là tạm được. Những công trạng lịch sử, chiến thắng oai hùng được nhắc đến nhiều, nhưng những câu chuyện thầm lặng, những chi tiết đằng sau đã được thể hiện đúng tầm vóc? Thôi thì hãy cứ hy vọng vào lớp trẻ sẽ thay đổi tất cả.


Một số bài dài hơi khác:
Dallas Buyers Club: Cây xương rồng giữa hoang mạc (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2014/01/21/the-butler//)
15 Films To Look Forward To In 2014 (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2014/01/14/15-films-2014/)
The Best of 2013 (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2014/01/07/best-of-2013/)
HER (2013) (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/12/28/her-2013/)
My 50 favorite Mind-bending Movies (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/12/08/mind-bending/)
Catching Fire: Sequel Syndrome & Franchise Disorder (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/11/29/catching-fire/)
History of World Cinema (Part II: The Silent Era) (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/11/19/world-cinema-part-ii-silent-films/)
History of World Cinema (Part I: Intro) (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/11/02/history-of-cinema-part-i/)
13 Greatest Black Comedies of All Time (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/10/01/black-comedies/)
Nghệ thuật dựng phim: phần I (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/09/26/dung-phim-phan-i/)
‘Man of Steel’ Case Study: Superhero – A Never Ending Trend (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/08/12/manofsteel/)
Mulholland Drive: Sixteen Reasons Why I Love You (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/20/mulholland-drive/)
LOST HIGHWAY (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/26/lost-highway/)
Brazil (1985): An awesome cult-classic Masterpiece (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/17/brazil/)
The Matrix's Concept (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/18/matrix/)
Từ Sucker Punch nói chuyện Mainstream vs. Cult: The Case For Success Incubators (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/16/sucker-punch/)
The Town (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/13/thetown/)
Rashomon (http://phudeviet.org/forum/showthread.php?65-Rashomon.html)
Akira Kurosawa và điện ảnh Nhật Bản 100 năm qua (http://anhtunguyenphotography.wordpress.com/2013/07/14/akira-kurosawa/)

davidseanghia
01-21-2014, 06:17 PM
Đưa thêm link của sub là hoàn hảo. :3

Dr. House
01-21-2014, 08:25 PM
Phim này bác dịch hả :))

machiendl
01-21-2014, 08:32 PM
các dự kiện, Phim cùng thể loại anh thường kiếm ở đâu để mà viết bài thớ ???

Dr. House
01-21-2014, 08:40 PM
Xem thì biết chứ mò đâu ra :))

davidseanghia
01-21-2014, 08:53 PM
Ệch, đúng là bụt chùa nhà không thiêng; hàng nhà không thích mò mà cứ thích đi mò hàng khác. :))

Dr. House
01-21-2014, 10:21 PM
Em xem súp Anh mà bác =))

trong_huy
01-22-2014, 10:46 AM
cho tên em vào nữa =))
Trong phim thì mình thích nhất câu nói của TS Martin Luther King nói về việc những người như Cecil đang âm thầm và mạnh mẽ thay đổi quan niệm cùa ng da trắng về ng da màu bằng phong cách làm việc, sự tận tụy mà ngay chính họ cũng ko nhận thấy.
Mà Dr viết bài nhân dịp kỷ niệm MLK holiday à :)

dinhtantrong
01-22-2014, 07:35 PM
Anh Lee Daniels có cái Precious gai góc ngột ngạt nhưng đầy cảm xúc.

Dr. House
01-23-2014, 07:31 PM
Cái The Butler làm bài vở với nặng tính tuyên truyền nên không cảm xúc bằng.